Tiêu chí đánh giá ứng viên trong vòng phỏng vấn đầu tiên
Về kỹ năng, hãy liệt kê những kỹ năng đang sở hữu liên quan tới công việc? Có thể chấm điểm theo thang điểm 10 từng kỹ năng không? Kỹ năng nào đang tốt nhất? Kỹ năng nào
Anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đào tạo của Học viện khởi nghiệp và kinh doanh thực tiễn VietFounder chia sẻ về các phương pháp đánh giá năng lực cho sinh viên.
– Tự tin là điều cần thiết khi ứng tuyển ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng than rằng sự tự tin thái quá của ứng viên cũng là vấn đề khiến họ đau đầu?
Từ kinh nghiệm cá nhân và từ câu chuyện của những người bạn đang làm công tác nhân sự tại các doanh nghiệp, tôi thấy thực trạng này có xuất hiện nhưng không nhiều, rơi vào hai trường hợp sau. Trường hợp đầu tiên là họ có khiếu ăn nói, có thể trả lời rất hay và trôi chảy những câu hỏi của nhà tuyển dụng, khiến nhà tuyển dụng đánh giá cao về ứng viên trong khi năng lực thực tế chưa được như vậy.
Trường hợp khác là ứng viên tự đánh giá rất cao năng lực của mình. Những người này chúng tôi gọi vui là bị bệnh “ảo tưởng sức mạnh”. Việc tự đánh giá cao năng lực bản thân là do thang đánh giá họ đưa ra có sự thiên lệch lớn so với những tiêu chí của nhà tuyển dụng.
– Vậy các nhà tuyển dụng đánh giá năng lực của ứng viên theo những tiêu chí nào?
Các nhà tuyển dụng thường ứng dụng một mô hình cơ bản trong đánh giá năng lực ứng viên, đó là ASK (Attitude – Skill – Knowledge). Một ứng viên có Thái độ phù hợp – Kiến thức chắc chắn – Kỹ năng thành thạo là ứng viên có năng lực tốt.
Thái độ thường được thể hiện ở 3 yếu tố. Một là mục tiêu nghề nghiệp của người đó có rõ ràng hay không? Mục tiêu đó có gắn với vị trí anh ta đang ứng tuyển không? Hai là động cơ anh ta ứng tuyển vào vị trí đó là gì hay nói cách khác là ứng viên đó có thực sự mong muốn làm việc cho doanh nghiệp không? Cuối cùng là phẩm chất, tính cách ứng viên có phù hợp với vị trí công việc cũng như văn hóa công ty hay không.
Kiến thức được thể hiện qua bài Test hoặc qua quá trình phỏng vấn. Kiến thức không chỉ thể hiện trong bằng cấp mà còn thể hiện qua cách họ trả lời những câu hỏi chuyên môn nhà tuyển dụng đưa ra. Ngoài kiến thức chuyên môn, doanh nghiệp còn yêu cầu ứng viên có thêm những kiến thức về xã hội hoặc về các chuyên môn khác bổ trợ cho công việc chính.
Kỹ năng là điều quan trọng nhất khi đánh giá năng lực của ứng viên. Kỹ năng sẽ thể hiện năng lực làm việc trên thực tế của ứng viên đó. Thường để kiểm tra kỹ năng, các chuyên viên tuyển dụng hay đặt các câu hỏi tình huống để xem ứng viên đó triển khai công việc thực tế như thế nào, phương pháp làm việc có tốt không; qua đó sẽ biết được kỹ năng của anh ta đang ở mức độ nào. Ngoài các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến vị trí công việc, nhà tuyển dụng đối với từng vị trí sẽ yêu cầu thêm những kỹ năng mềm, kỹ năng tin học, ngoại ngữ cho phù hợp.
– Anh có lời khuyên gì dành cho sinh viên mới ra trường để thể hiện được sự tự tin của mình nhưng tránh được sự thái quá?
Sự tự tin phải được gây dựng từ kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình, tốt hơn nữa là các kỹ năng bổ trợ như tin học, ngoại ngữ, tức là phải có nền tảng về năng lực tương đối vững chắc. Sự tự tin không phải là việc tự đánh giá cao mình, hoặc cố tỏ ra vẻ như vậy. Tuổi trẻ thì rất dễ tự cao, kiêu ngạo khi đạt được một chút thành tích. Nhưng nếu các bạn biết tự đánh giá và nhìn nhận lại bản thân với những tiêu chí như trên thì có thể hạn chế rất nhiều việc này.
Trong quá trình tự đánh giá, việc đặt ra các câu hỏi cho bản thân mình rất quan trọng. Các bạn có thể tự đặt các câu hỏi này theo mô hình ASK như sau:
Về thái độ: hãy tự hỏi xem mục tiêu nghề nghiệp 5 năm tới của mình là gì? 3 năm tới là gì? Khi ở những vị trí công việc trong 3 – 5 năm tới thì công việc cụ thể của mình là gì? Cần chuẩn bị ra sao?
Về kiến thức: kiến thức nền tảng của công việc này là gì? Kiến thức chuyên môn là gì? Mình có thể nói hay viết được bao nhiêu về nó? Những kiến thức nào sẽ bổ trợ cho chuyên môn của mình? Mình đã dành thời gian bổ sung nó chưa và đã bổ sung ở mức độ nào? Mình còn thiếu những kiến thức gì để làm tốt hơn công việc hiện tại? Những người giỏi nhất trong lĩnh vực này họ học những gì? Ở đâu?
Về kỹ năng, hãy liệt kê những kỹ năng đang sở hữu liên quan tới công việc? Có thể chấm điểm theo thang điểm 10 từng kỹ năng không? Kỹ năng nào đang tốt nhất? Kỹ năng nào yếu nhất? Kỹ năng tốt nhất mình đã rèn luyện trong bao lâu? Những người giỏi nhất trong lĩnh vực này họ rèn luyện trong bao lâu?
Trong quá trình tư vấn định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên, gần như chưa bao giờ tôi thấy các bạn đặt ra những câu hỏi tương tự cho mình. Các bạn đều rất mơ hồ khi nói về bản thân, đặc biệt là về năng lực làm việc. Mong rằng, với những công cụ mà tôi hướng dẫn, các bạn sẽ đánh giá đúng năng lực của mình và có được sự tự tin khi đứng trước nhà tuyển dụng!
Leave a Reply